Với Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ cùng nhiều giải pháp hỗ trợ của thành phố, các doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã bắt đầu trong trạng thái bình thường mới và không còn nỗi lo đứt gãy chuỗi cung ứng trong hoạt động sản xuất.
Niềm vui có việc làm
Hạnh phúc – đó là điều chúng tôi cảm nhận được từ ánh mắt của chị chị Lê Thị Bé, nhân viên của Cty TNHH Đà Nẵng Telala chuyên về đồ lót của Nhật Bản, đóng ở khu công nghiệp Hoà Khánh, Thành phố Đà Nẵng.
Chị Bé kể mình từ Nghệ An vào Đà Nẵng làm công nhân cho Telala đã được 9 năm. Và niềm vui lớn nhất của chị, cũng như của hơn 130 NLĐ của DN này là trong mùa dịch vừa qua, là “trong khi dịch bệnh kéo dài, quanh tôi có rất nhiều đồng nghiệp bị mất hoặc tạm ngưng việc làm thì tôi gần như chưa phải nghỉ làm một ngày nào và có thu nhập ổn định”. Và chị Bé còn vui hơn nữa khi “tôi vừa nghe thông báo Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128, tới đây dù tình hình có thế nào thì người lao động như chúng tôi vẫn được tạo điều kiện để không bị mất việc làm”.
Phân xưởng sản xuất của Công ty TNHH Đà Nẵng Telala, một doanh nghiệp của Nhật Bản chuyên về phụ kiện đồ lót, đóng ở khu công nghiệp Hoà Khánh – một ngày sau khi Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Vẫn là những con người này cùng công đoạn sản xuất được lặp đi lặp lại, nhưng ở đây đã có lại sự yên bình và vui vẻ mới sau hơn 15 ngày Thành phố Đà Nẵng cho phép các DN hoạt động bình thường trở lại với 100% lao động đi làm.
Bà Trần Thị Uyên Sa – Giám đốc sản xuất của Cty TNHH Đà Nẵng Telala – cho biết: Dù Telaa là một trong những DN đầu tiên của Đà Nẵng chủ động thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” rất sớm, từ giữa tháng 7. Tuy nhiên nỗ lực tự thân cùng với hỗ trợ kịp thời của chính quyền, Công đoàn… đã giúp Telala vượt được khó khăn, tìm mọi cách để chủ động nguồn nguyên liệu, xuất hàng, duy trì được 70% đơn hàng… để duy trì việc làm cho người lao động.
“Hiện không chỉ chúng tôi mà toàn bộ cộng đồng DN Đà Nẵng đều hết sức vui mừng với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Tới đây, chúng tôi sẽ không còn nỗi lo không hoàn thành đơn hàng cũng như chuỗi cung ứng bị đứt gãy như thời gia qua” – bà Trần Thị Uyên Sa nói.
Những tín hiệu tích cực
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC&CKCN Đà Nẵng nhận định: Trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, các DN Đà Nẵng đã rất kiên trì và có nhiều giải pháp sáng tạo để vượt qua khó khăn trước mắt. Đặc biệt trong thời gian Đà Nẵng phong toả cứng, các DN đã thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, duy trì 30% số lao động với hơn 170 doanh nghiệp và 15.000 công nhân.
Nhiều doanh nghiệp, như Cty Cổ phần Caosu Đà Nẵng, ngoài “3 tại chỗ” còn có thêm “một cung đường hai điểm đến”. Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp duy trì được các hoạt động cơ bản, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Và đến thời điểm này các DN ở Đà Nẵng đã hoạt động trở lại bình thường với 100% công suất. Thậm chí nhiều DN còn tăng công suất, tuyển thêm lao động do có nhiều đơn hàng từ các địa phương khác được chuyển về thực hiện. Đây là một tín hiệu vui, tích cực và là bệ phóng để các DN hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn.
Theo ông Phạm Trường Sơn, thời gian qua, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN. Trước hết là đã tạo điều kiện tối đa trong dịch bệnh để họ không phải ngừng sản xuất, hạn chế sản xuất, dù thành phố phong toả cứng. Đây là yếu tố quan trọng, tạo niềm tin rất lớn cho các doanh nghiệp.
Trong hội nghị đối thoại giữa chính quyền và các DN mới đây, thành phố đã cam kết hỗ trợ một phần chi phí xét nghiệm đối với quá trình tầm soát dịch COVID-19 cho NLĐ. Xem xét giảm tiền sử dụng hạ tầng cho các DN thuê lại đất trong các KCN. Đây là những quyết sách không lớn nhưng có tính động viên, chia sẻ của chính quyền rất kịp thời. Tiếp đến là ưu tiên vaccine cho đội ngũ CN trong các KCN.
“Có nhiều thời điểm, tỉ lệ tiêm chung của thành phố là khoảng 30% thì các KCN, tỉ lệ lên đến 70%. Bây giờ thì gần như 100% được tiêm mũi một, 15% tiêm mũi hai. Chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền thành phố quan tâm tiêm đủ mũi hai sớm cho CN để họ yên tâm sản xuất” – ông Sơn nói.
Tầm nhìn dài hạn
Mới nhất, ngày 5.10, tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã khởi công dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD. Dự án sẽ hoạt động với các mục tiêu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng Hydro, thiết bị Nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới.
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng BQL Khu CNC&CKCN Đà Nẵng, việc một doanh nghiệp Nhật Bản khởi công xây dựng một dự án 35 triệu USD trong bối cảnh Đà Nẵng bị dịch bệnh kéo dài hơn 5 tháng qua thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài rất có niềm tin với vị trí địa chiến lược, môi trường sống, hạ tầng hiện đại của Đà Nẵng. Mặt khác, đây còn là thành quả của chính sách thu hút đầu tư của thành phố có tầm nhìn dài hạn và là kết quả của một quá trình dài hơi. Hiếu Minh